Luật sư Nguyễn Thanh Hải: Xử lý nghiêm các đơn vị sản xuất, quảng cáo TPBVSK lừa dối người tiêu dùng

Hiện nay, thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) ở nước ta đang là "miền đất hứa", nhưng song hành với nó là sự nhiễu loạn, "vàng thau lẫn lộn" khiến các cơ quan chức năng khó khăn trong việc quản lý ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của người tiêu dùng. Xung quanh vấn đề này, Phóng viên (PV) Tạp chí Sức khỏe Việt có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Công ty Luật An Hoàng Gia, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Thanh Hải: Xử lý nghiêm các đơn vị sản xuất, quảng cáo TPBVSK lừa dối người tiêu dùng.

Luật sư Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Công ty Luật An Hoàng Gia.

PV:Theo Luật sư, những vi phạm được phát hiện phổ biến gần đây liên quan đến TPBVSK là gì?

Luật sư Nguyễn Thanh Hải: Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta cần biết rằng TPBVSK là các sản phẩm chứa các chất bổ sung nhằm hỗ trợ điều trị bệnh, cung cấp các chất có lợi cho sức khỏe hoặc mục đích phục hồi sức khỏe. Hoặc có một số loại TPBVSK được sản xuất với mục đích đơn thuần là tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh. Vậy nên, TPBVSK không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Hiện nay, đa số các sai phạm được phát hiện chia làm ba nhóm chính, một là vi phạm về quảng cáo, tức là “nổ” công dụng của TPBVSK, gây nhầm lẫn có hiệu quả như thuốc chữa bệnh, hai là phát hiện ra các chất cấm trong TPBVSK và ba là, hiện tượng “hàng giả” đối với TPBVSK.

Có thể lấy ví dụ như gần đây nhất là ngày 24/3/2023, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã phát đi cảnh báo: “TPBVSK Nutrizabet và Tensicare quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo”, hay trường hợp TPBVSK DIAMOND Power Slim được sản xuất tại Công ty Cổ phần BIGFA (địa chỉ: Khu Công nghiệp Lương Sơn, KM36-QL6, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) bị phát hiện chứa chất cấm Sibutramine.

Luật sư Nguyễn Thanh Hải: Xử lý nghiêm các đơn vị sản xuất, quảng cáo TPBVSK lừa dối người tiêu dùng.

Sản phẩm TPBVSK DIAMOND Power Slim (Lô SX: 0001; NSX: 25/09/2020; HSD: 24/09/2023) bị phát hiện có chứa chất cấm Sibutramine. (Ảnh: Vfa.gov.vn).

PVVậy chế tài xử lý thế nào đối với các trường hợp trên, thưa Luật sư?

Luật sư Nguyễn Thanh Hải: Đối với trường hợp quảng cáo “nổ” công dụng thì luật pháp hiện hành có Luật Xử lý vi phạm; Luật Quảng cáo, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo... Với mỗi trường hợp vi phạm cụ thể sẽ có chế tài áp dụng tương ứng.

Đối với hành vi phát hiện có chất cấm trong TPBVSK, thì có hai biện pháp xử lý, đó là:

- Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng chất cấm trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm được quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP. Theo đó, việc xử phạt sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm tương ứng được quy định tại các điều khoản.

Mức phạt tiền có thể lên tới 500 - 700 triệu đồng (khoản 5 Điều 6 Nghị định 115/2018/NĐ-CP)... Bên cạnh đó, một số hành vi sẽ có các hình thức phạt bổ sung như:

+ Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm trong một khoảng thời gian nhất định tuỳ theo mức độ vi phạm;

+ Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định tuỳ theo mức độ vi phạm.

- Xử phạt hình sự: Nếu hành vi sử dụng chất cấm có các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 thì cá nhân, tổ chức có liên quan sẽ bị khởi tố hình sự với khung hình phạt cao nhất có thể bị áp dụng là 20 năm tù.

Đối với hiện tượng “hàng giả” trong TPBVSK thì sẽ bị xử lý theo Điều 192, 193 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Khung hình phạt cao nhất có thể bị áp dụng là 15 năm tù đối với Điều 192 và chung thân đối với Điều 193. Thế nào là hàng giả thì được quy định cụ thể tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Nhưng đa số các vi phạm “hàng giả” liên quan đến TPBVSK trên thị trường hiện nay đều là trường hợp: “Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa”.

PV: Luật sư có đánh giá gì về những chế tài trên?

Luật sư Nguyễn Thanh Hải: Tôi cho rằng những chế định của pháp luật là hoàn toàn phù hợp, có chăng là cách vận dụng hành lang pháp lý này còn nhiều điểm cần cải thiện, nhất là công tác hậu kiểm của các cơ quan chức năng thẩm quyền.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế): 90% quảng cáo thực phẩm chức năng là sai sự thật. Tuy nhiên, các quảng cáo sai sự thật này vẫn diễn ra hàng ngày, thổi phồng công dụng và coi thực phẩm chức năng, TPBVSK như “thuốc tiên” để đánh vào tâm lý của người bệnh.

Văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành ngày 18/1/2023 yêu cầu xử nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt văn nghệ sĩ thổi phồng công dụng, quảng cáo sản phẩm tác dụng như thuốc nhưng không phải là thuốc. Đây là một trong những động thái thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt từ các cơ quan, ban ngành.

Chúng ta phải làm sao để cho những tổ chức, cá nhân kinh doanh TPBVSK chân chính không bị ảnh hưởng, cho các lương y thực sự được phát huy tài năng, và đảm bảo lợi ích tối đa cho người tiêu dùng.

PV: Vậy thưa Luật sư, chế tài trên cũng đủ sức răn đe nhưng tại sao thị trường TPBVSK vẫn “bát nháo” với nhiều hành vi vi phạm?

Luật sư Nguyễn Thanh Hải: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có sự tinh vi hơn, liều lĩnh hơn của các đối tượng trong việc sử dụng các chiêu trò để quảng cáo, bán, sản xuất TPBVSK... bên cạnh đó là sự phối hợp chưa thực sự đồng bộ giữa các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Do đó cần phải có sự đồng bộ, quyết liệt hơn nữa từ các cơ quan chức năng, xử lý thật mạnh tay đối với các đơn vị sản xuất, quảng cáo TPBVSK có hành vi vi phạm.

Mà trước tiên người tiêu dùng cần phải tỉnh táo, trước khi quyết định mua bất kỳ TPBVSK nào thì nên tìm hiểu kĩ từng thành phần, công dụng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bản thân và gia đình, tránh trường hợp “tiền mất tật mang”.

PV: Cảm ơn Luật sư vì cuộc trao đổi trên, chúc Luật sư luôn mạnh khoẻ!

Nguồn: TC Sức khoẻ Việt


Cùng Chuyên mục