Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục

An toàn vệ sinh thực phẩm nói chung và chất lượng bữa ăn học đường nói riêng luôn được người dân quan tâm. Trong những năm qua, ngành Y tế và Giáo dục đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, chăm sóc sức khỏe học sinh, tạo nên môi trường thuận lợi để các em học tập và phát triển tốt cả về thể chất và tinh thần.

Tuy nhiên, gần đây có một số thông tin không tích cực, xuất hiện nhiều phản ánh của phụ huynh học sinh liên quan đến chất lượng bữa ăn học sinh; để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này cũng như để độc giả tiếp cận những quan điểm, góc nhìn đa chiều, phóng viên đã có buổi trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hải – Giám đốc Công ty Luật TNHH An Hoàng Gia, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục
Luật sư Nguyễn Thanh Hải – Giám đốc Công ty Luật TNHH An Hoàng Gia, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. https://suckhoeviet.org.vn/.

Phóng viên: Chào Luật sư, trước tiên mong Luật sư cho biết ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của công tác an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục?

Luật sư: Công tác an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục từ lâu luôn là mối bận tâm không chỉ của các bậc cha mẹ học sinh mà của toàn xã hội. Thỉnh thoảng chúng ta lại giật mình vì những vụ ngộ độc trong các trường học hay gần đây nhất là phản ánh của phụ huynh học sinh liên quan đến chất lượng bữa ăn 32 nghìn đồng không được đầy đặn. Dư luận đặc biệt quan tâm bởi lẽ đối tượng ở đây là các cháu nhỏ, lứa tuổi đặc biệt nhạy cảm. Bởi vậy, vai trò của công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục là đặc biệt quan trọng. Đảm bảo bữa ăn học đường đủ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh là một trong những nội dung chính trong hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em.

Phóng viên: Vậy luật sư có thể trao đổi thêm về những thực trạng đã đang và có thể xảy ra xung quanh việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại các trường học được không?

Luật sư: Như tôi vừa nói qua ở trên; có hai vấn đề nổi cộm liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học.

Một là, xuất hiện tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm. Qua thông tin từ báo đài, thỉnh thoảng chúng ta lại thấy có tin có các học sinh tại trường A trường B bị ngộ độc, bị nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Đã có rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường học khiến hàng trăm học sinh phải nhập viện cấp cứu như vụ gần 30 học sinh ở Thái Bình có triệu chứng ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh trung thu ở lớp; ngày 25/9 học sinh ở Lào Cai bị ngộ độc sau khi trải nghiệm làm trà sữa trong giờ học…hay gần đây nhất là vào chiều 10/11, Bệnh viện đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) tiếp nhận nhiều học sinh nhập viện nghi bị ngộ độc thực phẩm; các học sinh nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, buồn nôn và đang được theo dõi, điều trị.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, Thủ đô có hơn 5.159 bếp ăn tập thể, trong đó có 309 bếp ăn tại các khu công nghiệp, 4.850 bếp ăn trường học và cơ quan xí nghiệp; 6 tháng đầu năm 2023, Hà Nội xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể làm 72 người mắc, không có tử vong, nguyên nhân do thực phẩm nhiễm vi sinh vật.

Đó là những con số biết nói, và nhìn vào những con số đó, chúng ta thực sự rất đau lòng.

Hai là việc chất lượng bữa ăn trong các trường học; rất nhiều phản ánh về việc bữa ăn không đầy đặn, hàm lượng dinh dưỡng trong mỗi suất cơm chưa đảm bảo. Những ngày qua, dư luận hết sức quan tâm đến việc bữa ăn không đủ no ở đội tuyển bóng bàn trẻ Quốc gia hay vụ việc phụ huynh phản ánh bữa ăn của học sinh tại một trường mầm non tư thục đóng trên địa quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) quá ít ỏi và nghèo nàn dinh dưỡng trong khi phụ huynh phải đóng mức 70.000 đồng/ngày. Và gần đây nhất là vụ việc xuất ăn 32 nghìn đồng nhưng lèo tèo thức ăn của Trường THCS Yên Nghĩa. Với những bữa ăn “không đủ dinh dưỡng” như vậy thì chúng ta kỳ vọng gì ở việc phát triển toàn diện cho những mầm non tương lai của đất nước?

Phóng viên: Trước những thực trạng trên, pháp luật có những quy định cụ thể gì không thưa Luật sư?

Luật sư: Pháp luật hiện hành quy định rất đầy đủ về vấn đề này, hành lang pháp lý về cơ bản khá toàn diện, đó là Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ Y tế (Lĩnh vực an toàn thực phẩm), Thông tư liên tịch 08/2008/TTLT-BYT-BGDĐT hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT quy định về công tác y tế trường học, Chỉ thị 4316/CT-BGDĐT năm 2018 về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục và các văn bản, tài liệu hướng dẫn hiện hành của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Hay gần nhất là Công văn số 6141/BGDĐT-GDTC năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi có các tình huống xác định có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra thì xử lý theo các quy định của pháp luật có liên quan.

Phóng viên: Vậy Luật sư có thể kiến nghị một số giải pháp để góp phần nâng cao công tác an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục?

Luật sư: Thực ra, các cơ quan chức năng hiện nay đã và đang có những biện pháp rất tích cực trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Một số biện pháp đó là:

- Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm.

- Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi. Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.

- Tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng, chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền do nguồn nước không bảo đảm; huy động đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên tham gia vệ sinh khuôn viên sân trường, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải xung quanh sân trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học. Lập kế hoạch duy trì các hoạt động bảo hành, bảo dưỡng các công trình nước sạch, vệ sinh trong các cơ sở giáo dục.

- Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

Và cuối cùng là phải tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành Giáo dục - Y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh.

Còn một quyết định tôi khá tâm đắc, đó là quyết định số 1600/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025” thì mục tiêu của chương trình là duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trường chuyên biệt nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh. Trong đó, về nội dung tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý trong trường học, chương trình "Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025" yêu cầu phải đảm bảo các tiêu chí như 100% trường học tổ chức các hoạt động giáo dục dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn cho học sinh thông qua các giờ học chính khóa, hoạt động ngoại khóa; 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Nếu thực hiện đúng và đầy đủ thì việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục là điều không khó.

Phóng viên: Vâng, đúng vậy thưa Luật sư, cũng rất mong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như chất lượng bữa ăn trường học ngày càng được chú trọng và nâng cao; rất cảm ơn những chia sẻ quý báu từ Luật sư.

 Nguồn: TC Sức khoẻ Việt


Cùng Chuyên mục