Vấn nạn quảng cáo thực phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh

Cục An toàn thực phẩm – Bộ y tế vừa phát đi cảnh báo về việc sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bảo Xuân Gold, Bảo Xuân 50+, Hạ áp ích nhân quảng cáo vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, không đúng với nội dung đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận.

Cụ thể, Cục ATTP cho biết, trong thời gian vừa qua trên các đường link:

-https//bcare.vn/shop/vien-uong-bao-xuan-gold-30-vien-can-bang-noi-tiet-30-50-tuoi-53.html;

-http//vangiaan.vn/san-pham/vien-uong-bao-xuan-gold-nam-duoc/;

-https//giuginsuckhoe.com/?utm_source=google&utm_medium=cpc&utm_campaign=ga1&gclid=Cj0KCQjwr82iBhCuARIsAO0EAZxjKq_bMvBDDrLFSi07b-u7CHai_hyD5Vi4J0gII2c3IlRSatrp8OgaAi2_EALw_wcB;

-https//nhathuoclongchau.com.vn/thuc-pham-chuc-nang/ha-ap-ich-nhan-on-dinh-huyet-ap-ngua-tai-bien-530.html

đang quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bảo Xuân Gold, Bảo Xuân 50+, Hạ áp ích nhân quảng cáo vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, không đúng với nội dung đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận.

Tại buổi làm việc ngày 12/05/2023, Đại diện Công ty TNHH Nam Dược chịu trách nhiệm đăng ký bản Công bố sản phẩm và đại diện Công ty TNHH dược phẩm Ích Nhân Công ty đăng ký xác nhận nôi dung quảng cáo sản phẩm khẳng định đến thời điểm hiện tại 02 Công ty không thực hiện, không ủy quyền cho tổ chức, cá nhân nào quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bảo Xuân Gold, Bảo Xuân 50+, Hạ áp ích nhân tại các đường link nêu trên.

Hiện tại, Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/ và cổng công khai y tế tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/.

Cục ATTP cũng khuyến cáo trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo về sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bảo Xuân Gold, Bảo Xuân 50+, Hạ áp ích nhân trên các đường link nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Đối với trường hợp trên, Luật sư Ngô Mạnh Tân - Công ty luật An Hoàng Gia, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội chia sẻ quan điểm như sau:

Vấn nạn quảng cáo thực phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh
Luật sư Ngô Mạnh Tân - Công ty luật An Hoàng Gia, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Việc quảng cáo thực phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh từ lâu được xem như vấn nạn; thỉnh thoảng Cục ATTP lại phát đi cảnh báo về một sản phẩm nào đó có nội dung vi phạm như trên. Trên thực tế, nhiều hành vi vi phạm đã bị phát hiện, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã phải chịu phạt. Tuy nhiên, thực trạng này vẫn tiếp diễn, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới người tiêu dùng và xã hội.

Pháp luật hiện hành cũng có hành lang pháp lý quy định cụ thể về các hành vi vi phạm nêu trên. Tại điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng như sau:

1. Nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

2. Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có các nội dung sau đây:

a) Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm;

b) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

3. Quảng cáo thực phẩm chức năng phải thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này và các nội dung sau đây:

a) Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có);

b) Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

4. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

5. Quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung quy định tại Điểm a Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

Mức phạt tiền với cá nhân, doanh nghiệp có hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh được quy định tại điểm b khoản 4 Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Theo đó mức phạt vi phạm hành chính với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh là từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (với cá nhân) và 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng (với doanh nghiệp).

Ngoài ra doanh nghiệp có hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh có thể bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 03 tháng đến 05 tháng. Trường hợp vi phạm từ 02 lần trở lên thời hạn tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm là 06 tháng (Khoản 5 Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP), Luật sư Tân nói.

Với những chiêu trò quảng cáo “thần thánh” như vậy, không ít người đã bỏ khá nhiều tiền mua với niềm tin sẽ chữa khỏi bệnh, nhưng kết quả nhận được là sự thất vọng. Nguy hiểm hơn, rất nhiều bệnh nhân đã không đến cơ sở y tế để điều trị vì tin tưởng và sử dụng thực phẩm chức năng khiến thời điểm điều trị hiệu quả nhất bị bỏ lỡ đáng tiếc, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tính mạng của bản thân. Bên cạnh đó người tiêu dùng cần thường xuyên theo dõi các thông tin, khuyến cáo để biết thông tin về những sản phẩm quảng cáo sai sự thật và không mua, sử dụng các sản phẩm này.

Nguồn: TC Sức khoẻ Việt


Cùng Chuyên mục