Công viên 'tắc' trên giấy 17 năm, dân Hải Dương ròng rã đòi quyết định

 Gần 2 thập kỷ, nhiều hộ dân ở phường Cộng Hòa (TP Chí Linh) vẫn chưa một lần nhìn thấy quyết định của tỉnh Hải Dương về việc thu hồi đất làm công viên hồ Côn Sơn.

Dự án cải tạo, xây dựng hồ Côn Sơn do UBND huyện Chí Linh (nay là TP Chí Linh) làm chủ đầu tư theo quyết định 1105 năm 2001 của tỉnh. Dự án có 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2001-2003 gồm các hạng mục nạo vét, kè hồ Côn Sơn.

Giai đoạn 2 từ năm 2003 (không có giới hạn năm kết thúc), gồm các hạng mục đắp bổ sung đập chính, làm cầu, cống và thu hồi hơn 126 nghìn m2 đất ven hồ để quy hoạch làm công viên.

Ông Đào Anh Đức (khu dân cư Tiên Sơn) đại diện hơn 10 hộ dân tại khu vực hồ Côn Sơn 17 năm qua chỉ có 1 yêu cầu đơn giản: Tỉnh Hải Dương công khai dự án, các quyết định về thu hồi đất, trích lục bản đồ việc thu hồi. Thế nhưng, những giấy tờ này vẫn không ló dạng.

{keywords}
Ông Đức ròng rã 17 năm đòi công khai dự án

Nhiều sai phạm 

Năm 2002, UBND huyện Chí Linh thành lập Ban quản lý xây dựng, cải tạo hồ Côn Sơn. Tiểu ban giải phóng mặt bằng (GPMB) được thành lập để thực hiện việc thu hồi đất thực hiện dự án.

Khi thu hồi đất, thành phần của tiểu ban GPMB thiếu 2 thành phần quan trọng là đại diện MTTQ Việt Nam huyện và đại diện người dân có đất bị thu hồi (được quy định rõ tại nghị định 22/1998 của Chính phủ).

Sau khi chi trả tiền đền bù đất, ban GPMB còn tự ý thu tiền đất tái định cư sai quy định với 11 hộ, tổng số tiền hơn 400 triệu đồng. Việc này hoàn toàn trái pháp luật, bởi việc thu tiền này thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư dự án tái định cư.

{keywords}
Nhiều nhà dân thuộc diện thu hồi đất hoang tàn, xập xệ

Ngoài ra, việc thu hồi đất bắt đầu từ năm 2003, tuy nhiên phải 4 năm sau tỉnh mới ra quyết định phê duyệt dự án tái định cư, và đến năm 2018 mới cơ bản hoàn thành dự án tái định cư.

Gia đình ông Chu Đăng Khoa (71 tuổi) thuộc diện thu hồi đất năm 2003, từng ấy năm trôi qua vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị thu hồi, căn nhà ngày một tồi tàn, kết cấu biến dạng, tường rêu phong mà không được sửa chữa.

Tương tự, bà Đỗ Thị Đễ (79 tuổi) cho biết, gia đình bà có khoảng 8.000m2 đất ven hồ Côn Sơn đã bị thu hồi để thực hiện dự án. Thời điểm thu hồi đất, bà Đễ không thấy quyết định thu hồi, mọi thứ mơ hồ, chỉ thấy cán bộ huyện bảo lên ký tên, nhận tiền.

Nhiều hộ dân khác mong muốn chính quyền minh bạch việc triển khai dự án, hoặc hủy bỏ việc thu hồi đất để được ổn định cuộc sống.

{keywords}
Một góc hồ Côn Sơn

Giao TP tìm quyết định của tỉnh

Phó giám đốc Sở TN&MT Hải Dương Nguyễn Hữu Lộc thừa nhận với VietNamNet, việc thu hồi đất của ban GPMB huyện Chí Linh thực hiện dự án hồ Côn Sơn xảy ra nhiều sai phạm, đặc biệt việc là thu hồi đất không song song với việc bố trí tái định cư.

Ông Lộc cho biết, năm 2010, UBND tỉnh ra quyết định 1837 về việc giải quyết đơn khiếu nại của các hộ ở thôn Tiên Sơn. 

{keywords}
Theo người dân, hạng mục cầu, cống của giai đoạn 2 đã được làm từ giai đoạn 1

Quyết định 1837 nêu rõ: "Quá trình thực hiện dự án, UBND huyện đã không công khai các tài liệu liên quan để người dân biết. Đồng thời, lập và chỉ đạo tiểu ban GPMB kiểm kê tài sản của một số hộ dân trước thời điểm có quyết định thu hồi đất của tỉnh".

Ông Lộc cho biết, tháng 4/2019, Sở có văn bản yêu cầu TP Chí Linh cung cấp hồ sơ về dự án gồm: Dự án và trích lục bản đồ thu hồi đất; quyết định thu hồi đất; hồ sơ phương án bồi thường, hỗ trợ cho 25 hộ dân. Thời hạn cung cấp tài liệu phải trước 4/5/2019.

Tuy nhiên, đến nay TP Chí Linh vẫn chưa cung cấp đầy đủ những tài liệu với lý do dự án triển khai từ lâu, tìm tài liệu tại kho lưu trữ mất nhiều thời gian. 

{keywords}
Người dân bức xúc khi chính quyền Hải Dương không công khai dự án

Theo ông Lộc, kể cả trong kết luận của tỉnh cũng nêu: "Thời điểm thanh tra, bà Nguyễn Thị Phương, nguyên kế toán Ban GPMB vẫn chưa bàn giao cho huyện khi chuyển công tác tới Bộ Tài chính. Sau nhiều lần yêu cầu, bà Phương mới cơ bản bàn giao".

Cho đến nay, những văn bản mà người dân có được rất ít, chủ yếu là những đơn tố cáo, khiếu nại và kết luận thanh tra của chính quyền. Tuy nhiên, các văn bản có hiệu lực để đối chiếu với kết luận thì đa phần không có.

Bắt buộc phải công khai dự án đến dân

Luật sư Nguyễn Thanh Hải,đoàn luật sư TP Hà Nội khẳng định, tỉnh Hải Dương thực hiện giai đoạn 2 dự án mà không nêu rõ năm kết thúc là sai. Việc này được quy định rõ tại nghị định 52/1999 của Chính phủ.  

Khi thực hiện dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bắt buộc phải công khai dự án, các quyết định, tài liệu liên quan đến dự án, đến phần quyền và lợi ích hợp pháp của mình gắn liền với một phần hoặc toàn bộ dự án đó.

{keywords}
 

Ông Hải nhận định: 17 năm trôi qua mà chưa công khai 1 tờ quyết định, trích lục bản đồ nào là sai, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi chính đáng của người dân, với quy trình và cách thức làm việc như vậy, không thể không đặt dấu hỏi về sự khuất tất và mờ ám trong vụ việc này.

Còn với lý do đang tìm tài liệu, luật sư cho rằng điều này được nêu tại thông tư 13 và 09 năm 2011 của Bộ Nội vụ.

“Hiệu lực nằm ở các quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền liên quan. Khi không còn quyết định đối chiếu, dự án, quy hoạch mà tổ chức làm thất lạc, mất mát các quyết định này có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết, căn cứ tình hình thực tế để ra các quyết định phù hợp”, ông Hải nói.

Ngoài ra, huyện Chí Linh chỉ đạo ban GPMB kiểm kê đất đai trước quyết định thu hồi đất của tỉnh là hoàn toàn sai, trình tự này được nêu rõ tại điều 34 nghị định 22/1998. 

Đoàn Bổng - Nguồn Báo điện tử Vietnamnet


Cùng Chuyên mục