Vĩnh Phúc 'thúc' TP Phúc Yên xử lý khu nghỉ dưỡng xây không phép

UBND tỉnh Vĩnh Phúc mới đây tiếp tục ra văn bản chỉ đạo UBND TP Phúc Yên kiểm tra các vi phạm đất đai liên quan đến khu nghỉ dưỡng Hidden Hill Resort tại xã Ngọc Thanh. 

Sau phản ánh của VietNamNet về khu nghỉ dưỡng xây dựng không phép, tự ý chuyển đổi đất chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại thôn Bắc Ái, xã Ngọc Thanh, tỉnh Vĩnh Phúc mới đây tiếp tục có văn bản chỉ đạo UBND TP Phúc Yên vào cuộc xác minh.

Cụ thể, tại văn bản số 7168 ngày 18/9, trên cơ sở đề nghị của Sở TN&MT, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao UBND TP Phúc Yên kiểm tra hồ sơ về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân liên quan đối chiếu với quy định Luật Đất đai để xử lý vi phạm (nếu có). 

{keywords}

Sở Xây dựng xác định Khu nghỉ dưỡng được xây dựng khi chưa được cấp phép

Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND TP lập hồ sơ xử lý các vi phạm về xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định. Trường hợp vi phạm phải chuyển cơ quan cảnh sát điều tra, lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra để xử lý. 

Đồng thời, giao Chánh thanh tra, Công an tỉnh chủ động nắm tình hình vi phạm đất đai, xây dựng trên địa bàn xã Ngọc Thanh. Cơ quan thanh tra tổ chức làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai và báo cáo UBND tỉnh trong tháng 11/2020. 

Được biết, đây không phải lần đầu tiên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo TP Phúc Yên vào cuộc kiểm tra vi phạm tại khu nghỉ dưỡng Hidden Hill Resort do Công ty TNHH Dailai Ecohome đề xuất thực hiện dự án.

Trước đó ngày 23/7, Văn phòng UBND tỉnh truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì "yêu cầu Chủ tịch UBND TP Phúc Yên tổ chức kiểm tra, xử lý theo các vi phạm về trật tự xây dựng tại vị trí đề xuất thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng. Đồng thời rà soát toàn bộ các trường hợp tương tự tại khu vực. Báo cáo kết quả với UBND tỉnh trong tháng 8/2020". 

{keywords}

Toàn cảnh khu nghỉ dưỡng Hidden Hill Resort tại xã Ngọc Thanh

Như đã đưa tin, tháng 5/2020, PV VietNamNet liên hệ với UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND TP Phúc Yên phản ánh tình trạng xây dựng không phép tại khu nghỉ dưỡng Hidden Hill Resort. Đến tháng 7/2020, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Vĩnh Phúc do Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở NN&PTNN, TN&MT, VHTT&DL cùng UBND TP Phúc Yên, xã Ngọc Thanh đã kiểm tra thực địa tại dự án ở thôn Bắc Ái. 

Tại văn bản số 4278 ngày 10/7/2020 của Sở Xây dựng do Giám đốc Nguyễn Đức Tài kí thể hiện, sau khi nghe báo cáo và kiểm tra thực địa, liên ngành đã đưa ra nhiều kết luận, từ đó chỉ ra hàng loạt sai phạm xoay quanh dự án này. 

Cụ thể, khu nghỉ dưỡng nêu trên được đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình và đưa vào hoạt động từ năm 2018 nhưng chưa được cấp giấy phép xây dựng. 

Sở TN&MT khẳng định: Vị trí khu đất theo đề xuất của công ty không phù hợp với tính chất kinh doanh dịch vụ. Có khoảng 300m2 đất không được phép xây dựng nhưng doanh nghiệp đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Theo sở Xây dựng, tại khu nghỉ dưỡng đã được công ty và các cá nhân liên quan tổ chức đầu tư xây dựng các hạng mục công trình khi chưa có giấy phép xây dựng, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cần được kiểm tra xử lý vi phạm.

Kiểm tra thực tế xác định, chủ đầu tư đã cho thi công xây dựng 6 căn villa với diện tích từ 30-128m2; 6 căn bungalow (trong đó có 4 căn đã đầu tư xây dựng, 2 căn đã xây móng, lát sàn, chưa xây tường) diện tích từ 16-21m2. Mười căn riverside các công trình phụ trợ vườn nướng BBQ, nhà ăn cộng đồng, bể bơi… 

Ngoài ra, tại hiện trường kiểm tra đơn vị đã đầu tư xây các hạng mục như nhà đa năng (100m2), nhà sinh hoạt chung (96m2), các hạng mục này đang dừng ở việc xây móng, chưa xây tường. 

Buộc khôi phục nguyên trạng

Luật sư Nguyễn Thanh Hải, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, với các sai phạm được đoàn kiểm tra chỉ rõ, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cho các hành vi vi phạm của mình. Cụ thể:

Thứ nhất, về hành vi tổ chức đầu tư xây dựng các hạng mục công trình khi chưa có giấy phép xây dựng. Khu nghỉ dưỡng Hidden Hill Resort do Công ty TNHH Dailai Ecohome đề xuất dự án buộc phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định tại Nghị định số 59 năm 2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Cùng với đó, điểm c khoản 5 điều 15 Nghị định số 139 năm 2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, cụ thể phạt từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng.

Ngoài ra, theo luật sư Hải, điểm c, khoản 12 của Nghị định 139 quy định về trình tự xử lý vi phạm và khắc phục hậu quả như sau: "Hết thời hạn quy định, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Đề cập đến việc chủ đầu tư chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi xây dựng công trình, theo luật sư Hải thì doanh nghiệp sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3, điều 9 Nghị định 91 năm 2019 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai. 

Cụ thể, phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 ha đến dưới 0,5ha. Cùng với đó là biện pháp khắc phục hậu quả "buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm” (khoản 5 của Nghị định 91).

Phúc Vĩnh  - Theo Báo điện tử Vietnamnet

Tin liên quan


Cùng Chuyên mục