Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trong khi thực hiện hợp đồng lao động hoặc người sử dụng lao động, người lao động có thể nhận ra điều khoản nào chưa hợp lý, gây bất lợi cho mình hay do hoàn cảnh thay đổi mà các điều khoản cũ không còn phù hợp, nhưng không muốn chấm dứt hợp đồng thì họ có thể yêu cầu và cùng bên kia thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động, tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung này phải tuân theo các quy định của pháp luật.
Căn cứ pháp lý: Điều 35 Bộ luật lao động 2012.
Điều 35. Sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động
1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
2. Trong trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
3. Trong trường hợp hai bên không thoả thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.
1. Về thủ tục và cách thức thực hiện:
Sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động là quyền của người sử dụng lao động và người lao động trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động. Bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Mặc dù Bộ luật lao động không quy định rõ nhưng ta có thể hiểu mục đích của việc báo trước này là để bên kia xem xét, nghiên cứu các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, và chuẩn bị cho việc đàm phán, thỏa thuận xem có nên sửa đổi, bổ sung các nội dung đó hay không. Và bên đề xuất sửa đổi, bổ sung phải đưa ra được lí do, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn cho yêu cầu của mình để rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thương lượng của hai bên.
Nếu hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.Trong thực tế, các bên thường chỉ giao kết hợp đồng lao động mới khi những sửa đổi, bổ sung đó làm thay đổi nội dung căn bản của hợp đồng, còn nếu nội dung thay đổi không lớn, các bên sẽ ký kết một phụ lục hợp đồng lao động, quy định về những điều cần sửa đổi, bổ sung để không làm ảnh hưởng tới các điều khoản khác của hợp đồng.
2. Về hậu quả pháp lý:
Khi xem xét hậu quả pháp lý của việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động, ta phải xem xét trong hai trường hợp:
- Trong trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
Phụ lục hợp đồng lao động hoặc hợp đồng lao động mới không được trái pháp luật, đạo đức xã hội và thỏa ước lao động tập thể hợp pháp (nếu có). Trường hợp kết quả thỏa thuận của các bên có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội và thỏa ước lao động tập thể hợp pháp thì nội dung này không có hiệu lực thi hành, các bên phải thực hiện các nội dung tương ứng trong các văn bản quy phạm pháp luật hoặc thỏa ước lao động tập thể.
- Trong trường hợp hai bên không thoả thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết. Do bản chất của hợp đồng là sự thỏa thuận nên hợp đồng chỉ có thể được sửa đồi, bổ sung khi được sự đồng ý, nhất trí của cả hai bên. Về lý luận và thực tiễn, khi có yêu cầu đặt ra mà không thỏa thuận được, có thể sẽ xuất hiện bất đồng, tranh chấp giữa hai bên. Và nếu cần giải quyết, xung đột đó sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật về tranh chấp lao động cá nhân hoặc hai bên có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại điều 36 Bộ luật lao động 2012.