Nghĩa vụ dân sự được phát sinh sẽ tạo lập nối liên hệ pháp lý giữa bên có quyền và bên có nghĩa vụ, theo đó bên có nghĩa vụ sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc bên có quyền sẽ tiếp nhận nghĩa vụ từ người có nghĩa vụ. Tuy nhiên, do nhiều lí do khách quan và chủ quan khác nhau, các bên trong quan hệ nghĩa vụ có thể thỏa thuận, theo đó nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao cho chủ thể khác.
Chuyển giao nghĩa vụ là sự thỏa thuận giữa bên có nghĩa vụ với người thứ ba (người thế nghĩa vụ) trên cơ sở đồng ý của bên mang quyền, theo đó người thế nghĩa vụ sẽ trở thành bên có nghĩa vụ mới, thực hiện nghĩa vụ trước bên mang quyền.
Theo quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 quy định về chuyển giao nghĩa vụ dân sự như sau:
“Điều 370. Chuyển giao nghĩa vụ
1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.
2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ.
Điều 371. Chuyển giao nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm
Trường hợp nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm được chuyển giao thì biện pháp bảo đảm đó chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Chuyển giao nghĩa vụ dân sự làm hchấm dứt quan hệ giữa bên có nghĩa vụ ban đầu, phát sinh quan hệ nghĩa vụ giữa người thế nghĩa vụ với người có quyền nên việc chuyển giao nghĩa vụ phải đảm bảo các điều kiện:
- Việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự phải có sự đồng ý của bên mang quyền.
- Việc chuyển giao nghĩa vụ phải được thể hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói. Nếu bằng văn bản phải có công chứng hoặc chứng thực, đăng ký hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
- Nghĩa vụ được chuyển giao phải là những nghĩa vụ có hiệu lực pháp lý và không thuộc trường hợp pháp luật không cho phép chuyển giao.
Ngoài ra, trong trường hợp nghĩa vụ dân sự có biện pháo bảo đảm được chuyển giao thì biện pháp bảo đảm đó chấm dứt, nếu không có thỏa thuận khác.
• Hậu quả pháp lý của chuyển giao nghĩa vụ dân sự
- Việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự có hiệu lực sẽ làm chấm dứt mối quan hệ pháp lý giữa bên có nghĩa vụ với bên có quyền và làm phát sinh quan hệ pháp lý giữa người thế nghĩa vụ với bên có quyền. Theo đó, người thế nghĩa vụ sẽ trở thành người có nghĩa vụ và phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ trước bên mang quyền.
- Khi chuyển giao nghĩa vụ thì bên chuyển giao không phải chịu trách nhiệm nếu bên mang nghĩa vụ (người thế nghĩa vụ) không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trước bên có quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.