Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật. Bộ luật dân sự 2015 quy định về người được giám hộ và nghĩa vụ của người giám hộ với người được giám hộ như sau:
1. Người được giám hộ:
Theo quy định tại khoản 1 điều 47 Bộ luật dân sự 2015, người được giám hộ bao gồm:
1.1. Người chưa thành niên:
Người chưa thành niên theo quy định của pháp luật dân sự là người chưa đủ mười tám tuổi. Người chưa thành niên có thể trở thành người được giám hộ khi người đó thuộc một trong hai trường hợp:
- Không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
- Có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;
1.2. Người mất năng lực hành vi dân sự:
Khoản 1 điều 22 BLDS quy định một người được coi là mất năng lực hành vi dân sự khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
1.3. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi:
Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại khoản 1 điều 23 BLDS là:
Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
Người được giám hộ là người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là điểm mới của Bộ luật dân sự 2015 so với Bộ luật dân sự 2005. Ngoài ra khoản 2 điều 48 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định:
Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
Có thể nói đây là một sự bổ sung mang ý nghĩa quan trọng, giúp người có khó khăn trong nhận thức, hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự được tự lựa chọn hoặc được Tòa án chỉ định người giám hộ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Nghĩa vụ của người giám hộ với người được giám hộ:
Một cá nhân, pháp nhân có thể giám hộ cho nhiều người và phải đáp ứng được các điều kiện về người giám hộ theo quy định của pháp luật dân sự. Người giám hộ có các nghĩa vụ với người được giám hộ trong từng trường hợp như sau:
2.1. Nghĩa vụ của người giám hộ với người được giám hộ chưa thành niên:
Người được giám hộ là người chưa thành niên được chia làm hai trường hợp là người được giám hộ chưa đủ mười lăm tuổi và người giám hộ từ mười lăm đến mười tám tuổi và với mỗi trường hợp, người giám hộ lại có nghĩa vụ với người được giám hộ khác nhau, pháp luật quy định chi tiết tại điều 55 và 56 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 55. Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ chưa đủ mười lăm tuổi
1. Chăm sóc, giáo dục người được giám hộ.
2. Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người chưa đủ mười lăm tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
3. Quản lý tài sản của người được giám hộ.
4. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
Điều 56. Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi
1. Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2. Quản lý tài sản của người được giám hộ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
2.2. Nghĩa vụ của người giám hộ với người được giám hộ mất năng lực hành vi dân sự:
Theo quy định tại khoản 1 điều 57, người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có các nghĩa vụ sau đây:
a) Chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ;
b) Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự;
c) Quản lý tài sản của người được giám hộ;
d) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
2.3. Nghĩa vụ của người giám hộ với người được giám hộ có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi:
Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người được Tòa án chỉ định nên họ sẽ có nghĩa vụ với người được giám hộ theo quyết định của Tòa án nhưng các nghĩa vụ ấy phải nằm trong số các nghĩa vụ quy định cho người mất năng lực hành vi dân sự quy định tại khoản 1 điều 57 Bộ luật dân sự 2015.