Quy định về việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

HỎI: Chồng tôi do mâu thuẫn với Bảo nên đã dùng súng định giết Bảo. Mới bắn một phát trúng chân Bảo, thấy Bảo bị thương, chồng tôi lúc đó có điều kiện bắn tiếp nhưng anh ấy đã quyết định không bắn mà bỏ đi. Kết quả Bảo chỉ bị thương tích (tỷ lệ thương tật là 45%). Vậy cho tôi hỏi hành động của chồng tôi như thế thì xác định trách nhiệm hình sự như thế nào?

TRẢ LỜI:

Dựa vào sự việc trên thì có thể thấy chồng chị đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Cụ thể tại Điều 19 BLHS quy định về việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản …”. Yếu tố để căn cứ đó là:

      Thứ nhất, việc chấm dứt không thực hiện tội phạm phải xảy ra khi tội phạm đang ở giai đoạn chuẩn bị hoặc ở giai đoạn chưa đạt chưa hoàn thành. Ở những giai đoạn này, chủ thể chưa thực hiện hành vi hoặc chưa thực hiện hết hành vi phạm tội được quy định tại cấu thành tội phạm. Đối với các trường hợp còn lại như: Tội phạm hoàn thành, tội phạm chưa đạt hoàn thành thì các dấu hiệu hành vi được quy định tại cấu thành tội phạm đã được chủ thể của hành vi phạm tội thực hiện hết nên không thể đặt ra vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội nữa.

      Thứ hai, việc chấm dứt hành vi phạm tội phải là tự nguyện, dứt khoát. Việc dừng lại không thực hiện tiếp hành vi phải xuất phát từ chính động lực bên trong của chủ thể quyết định mà không phải do trở ngại khách quan chi phối, tức là “Không có gì ngăn cản”. Chủ thể nhận thức được rằng không có gì ngăn cản nhưng, vẫn có khả năng tiếp tục thực hiện hành vi nhưng đã không thực hiện. Việc chấm dứt này phải là chấm dút hoàn toàn, buộc chủ thể phải từ bỏ hẳn ý định phạm tội của mình, nếu chủ thể chỉ dừng lại một thời gian để chờ cơ hội hành động tiếp thì không được xem là chấm dứt hoàn toàn. Việc chấm dứt hoàn toàn phải được biểu hiện thông qua một hành động cụ thể. Luật không quy định yếu tố nào dẫn tới việc chấm dứt hành vi phạm tội. 

     Chỉ khi đáp ứng được hai yêu cầu trên thì mới thỏa mãn trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

      Trong trường hợp của chồng chị, chồng chị đã có ý định phạm tội, đã chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội là súng và thực tế thì chồng chị đã bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội của mình (Đã bắn vào chân của Bảo). Sau đó chồng chị dừng lại, không tiếp tục bắn mà bỏ đi. Dựa vào vị trí mà chồng chị bắn Bảo thì nhận thấy đó không phải là vị trí điểm yếu trên cơ thể, chồng chị nhận thức được hành vi của mình chưa thể gây ra cái chết cho Bảo nên không thể có trường hợp chồng chị nhầm tưởng Bảo đã chết nên không tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Như vậy, chồng chị đã không thực hiện hết các hành vi cần thiết để gây ra cái chết cho Bảo. Hành vi của chồng chị thuộc giai đoạn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành .

     Mặt khác, sau khi bắn Bảo bị thương, chồng chị không có bất cứ trở ngại khách quan nào tác động đến (không có người ngăn cản, vẫn có phương tiện hành động là súng), chồng chị nhận thức được điều này nhưng vẫn không tiếp tục thực hiện hành vi đến cùng. Cuối cùng chồng chị đã tự nguyện chấm dứt dứt khoát việc phạm tội. Biểu hiện cho sự chấm dứt dứt khoát của chồng chị là bỏ đi. 

    Chính vì chồng chị đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội nên theo Điều 19 BLHS cũng đã quy định trách nhiệm hình sự của việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội :

“ Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm, nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành một tội khác thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này”.

     Như vậy, mặc dù chồng chị có ý định giết Bảo và thực tế đã bắn vào chân Bảo nhưng chồng chị không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người được quy định tại điều 93 BLHS do hành vi của anh là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Đây là một chính sách khoan hồng của nhà nước nhằm hạn chế những thiệt haị có thể xảy ra cho quan hệ xã hội cần được bảo vệ.

     Nhưng trước khi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì chồng chị đã dùng súng (Hung khí nguy hiểm) bắn vào chân Bảo gây tỷ lệ thương tích là 45%, thỏa mãn các yếu tố cấu thành nên tội cố ý gây thương tích được quy định tại khoản 3 điều 104 BLHS: “Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”

     Như vậy tuy được miễn trách nhiệm hình sự về tội giết người nhưng chồng chị vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích, trong trường hợp này chồng chị có thể sẽ bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm theo quy định của pháp luật.


Cùng Chuyên mục