Miễn chấp hành hình phạt là không buộc người đã bị kết án phải chấp hành toàn bộ hoặc phần còn lại của hình phạt đã tuyên.
Chế định này được Luật Hình sự 2015 quy định tại điều 62. Theo đó, trường hợp được miễn chấp hành hình phạt bao gồm:
1. Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xa ( khoản 1 điều 62 BLHS):
Đặc xá là biện pháp khoan hồng của Nhà nước có nội dung là miễn chấp hành toàn bộ hoặc một phần còn lại của hình phạt tù cho đích danh một phạm nhân nào đó hoặc những phạm nhân đã thỏa mãn những điều kiện theo quy định của pháp luật về đặc xá.
Đại xá là biện pháp khoan hồng của Nhà nước có nội dung tha tội, thường là hoàn toàn và triệt để cho hàng loạt những người phạm những tội nhất định nào đó.
Tùy ở những giai đoạn nào cảu quá trình thi hành mà người bị kết án dược đặc xá hoặc đại xá được miễn chấp hành toàn bộ hay phần còn lại của hình phạt đã tuyên.
2. Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt trong trường hợp (khoản 2 điều 62 BLHS)
- Sau khi bị kết án đã lập công. Trường hợp này, người phải chấp hành án có nhiều nỗ lực, cố gắng và đạt được nhiều thành tích trong học tập, công tác, chiến đấu được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định khen thưởng hoặc xác nhận. Điều này thể hiện được sự tự giác quyết tâm hoàn lương để trở nên có ích cho xã hội của người bị kết án nên sẽ được coi là một trong những trường hợp được miễn chấp hành hình phạt cho họ.
- Mắc bệnh hiểm nghèo. Người mắc bệnh hiểm nghèo là đang bị một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị như: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng chăn sóc bản thân và nguy cơ tử vong rất cao.
- Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Người bị kết án không còn nguy hiểm cho xã hội được hiểu là người bị kết án đã hoàn lương, chấp hành đúng quy định pháp luật, chăm chỉ lao động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tự giác thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quyết định của Tòa án.
3. Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện Trưởng Viện kiểm sát, thì Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt. (khoản 3 điều 62 BLHS)
4. Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo để nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt còn lại. (khoản 4 điều 62 BLHS)
5. Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành tiếp hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể đề nghị miễn chấp hành hình phạt tiền còn lại (khoản 5 điều 62 BLHS)
6. Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt còn lại. (khoản 6 điều 62 BLHS)
Trong những trường hợp trên, người được miễn chấp hành hình phạt vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án.