Yếu tố lỗi trong Luật Hình sự

Trong luật Hình sự Việt Nam, nguyên tắc có lỗi được coi là nguyên tắc cơ bản. Người phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) theo luật Hình sự Việt Nam không chỉ đơn thuần vì người này đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà còn vì đã có lỗi trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm đó. 


1. Khái niệm:

Người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội bị coi là có lỗi nếu hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn cách xử sự của họ trong khi có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để lựa chọn và thực hiện xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Trong trường hợp có lỗi, chủ thể có nhiều khả năng xử sự - khả năng xử sự gây nguy hiểm cho xã hội và khả năng xử sự phù hợp với lợi ích xã hội. Những khả năng này, chủ thể đều có thể lựa chọn, quyết định thực hiện nhưng chủ thể đã lựa chọn, quyết định và thực hiện khả năng xử sự gây nguy hiểm cho xã hội. Như vậy, lỗi chỉ đặt ra trong những trường hợp trong đó có khả năng xử sự phù hợp với xã hội và chủ thể đã không chọn khả năng này.

Ta có thể định nghĩa lỗi như sau: Lỗi là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi gây nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậy quả do hành vi đó gây ra.

2. Điều kiện để một hành vi được xem là có lỗi

  • Hành vi trái pháp luật hình sự.
  • Hành vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn và quyết định của người thực hiện hành vi khi có khả năng và điều kiện để lựa chọn và quyết định xử sự khác không trái pháp luật hình sự.

3. Điều kiện chủ thể trong việc xác định tính có lỗi của tội phạm

Khi thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội khi hội đủ hai điều kiện:

  • Không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.
  • Đạt độ tuổi theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự hiện hành.

4. Hình thức của lỗi

Trong Bộ Luật Hình sự 2015. Lỗi được chia thành hai loại là lỗi cố ý và lỗi vô ý. Trong lỗi cố ý gồm hai hình thức là lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp. Trong lỗi vô ý gồm hai hình thức là lỗi vô ý vì quá tự tin và vô ý vì cẩu thả.

*       Lỗi cố ý trực tiếp:

Lỗi cố ý trực tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra. ( điều 10 BLHS)

  • Về lý trí: người phạm tội nhận thức rõ được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình thực hiện và đã thấy trước được hậu quả xảy ra.
  • Về ý chí: người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra. Tức là hậu quả của hành vi phạm tội mà người phạm tội đã thấy trước hoàn toàn phù hợp với mục đích – mong muốn cuẩ người đó.

*       Lỗi cố ý gián tiếp: 

Lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

  • Về lý trí: người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình thực hiện, thấy trước hành vi đó có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
  • Về ý chí: người phạm tội không mong muốn hậu quả xảy ra. Tức là hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà người phạm tội đã thấy trước đó không phù hợp với mục đích của họ. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là nhằm mục đích khác và để đạt được mục đích đó, người phạm tội đã chấp nhận hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra.

*       Lỗi vô ý vì quá tự tin:

Lỗi vô ý vì quá tự tin là lỗi trong trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được ( khoản 1 điều 11)

  • Về lý trí: Người phạm tội nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi do mình thực hiện.
  • Về ý chí: Người phạm tội không mong muốn hậu quả nguy hại cho xã hôi xảy ra.  Người phạm tội vô ý vì quá tự tin đã cân nhắc, tính toán dựa vào sự tin tưởng, sự hiểu biết, kinh nghiệm nghề nghiệp, trình độ kỹ thuật,…và cho rằng hậu quả sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. 

*       Lỗi vô ý vì cẩu thả:

Lỗi vô ý vì cẩu thả là lỗi trong trường hợp người phạm tội không thấy trước được hành vi của mình có thể gây nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước hậu quả đó.

Có hai dấu hiệu của lỗi vô ý vì cẩu thả đó là:

  • Dấu hiệu thứ nhất: người phạm tội không thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi mình đã gây ra.
  • Dấu hiệu thứ hai: người phạm tội phải thấy trước hoặc có thể thấy trước hậu quả xảy ra.

Cùng Chuyên mục